Không được để lòng ghét anh chị em mình!

Nghe thì có vẻ đơn sơ gần gũi, như lời người cha người mẹ nhắc nhở đứa con thơ. Là trẻ con, một mặt, cảm xúc tức giận vẫn có trong lòng, mặt khác, lời của mẹ cha vẫn văng vẳng bên tai. Khi trưởng thành, lời ấy trở thành hiển nhiên đến độ người lớn ít còn bận tâm. Nhưng nếu suy nghĩ nghiêm túc một chút, chợt nhận thấy, người lớn cũng chẳng khác chi trẻ con khi chân thành đối diện với lời này: “Không được để lòng ghét anh chị em mình” (Lv 19,17).

Phái nam thường dùng lý trí để suy luận. Theo kiểu ấy, nhiều thứ được nhìn nhận rất đơn giản và rõ ràng là có hoặc không. Khi nói “không được để lòng ghét anh em mình”, tức là đã “có lòng ghét”, tức là “đã có bận tâm”, tức là “đã có tương quan” với người mà tôi gọi là anh em, là người thân. Nhưng có cám dỗ rất mạnh trong thời đại này, là nói “không” ngay từ đầu, là dửng dung bỏ qua ngay lập tức. Nếu đã nói không như thế, thì lời khuyên “không được để lòng ghét anh em mình” tự động vô hiệu ngay từ đầu. Điều ấy, cũng làm chúng ta nhớ lại, việc chàng thanh niên hỏi Thầy Giêsu: Ai là người thân cận của tôi? Thầy Giêsu hỏi lại anh, và trả lời cho anh bằng dụ ngôn người Samaritano nhân hậu. Và như thế, như Đức Joseph Ratzinger kết luận trong cuốn sách Đức Giêsu thành Nazaret rằng, Thầy Giêsu đã hỏi ngược lại chàng thanh niên: Không phải ai là người thân của anh, mà thực sự câu hỏi là “Anh muốn trở thành người thân của ai?”. Thế đó, lý trí của con người thường xuất phát từ bản thân, và tự lấy mình làm quy chiếu. Còn lý trí của Thiên Chúa thì giúp chúng ta có cái nhìn rộng mở hơn, sâu xa hơn, tình người hơn.

Khác với phái nam, phái nữ thường cảm nhận bằng cảm xúc, bằng con tim. Họ có xu hướng kết nối cả những gì không thật sự cần thiết, và cũng không mấy liên quan. Trái tim phụ nữ quan tâm đến anh chị em của mình, nhưng nếu sự quan tâm ấy không được đón nhận, không được phản hồi, hoặc nếu được đón nhận và được phản hồi, nhưng không đúng như mong đợi, thì kể như vết thương ngay lập tức hình thành. Điều gọi là “ghét”, đôi khi không phải là điều gì đó quá nặng nề hoặc nghiêm trọng, nhưng bắt đầu bằng những gì rất nhỏ nhặt và cụ thể. Khi vô số điều nho nhỏ ấy cộng lại, thì kể như tạo thành một mớ bòng bong không gỡ nổi. Đối với trẻ em, thì ít nghiêm trọng hơn, vì các em chợt nhớ chợt quên. Còn đối với người lớn, những cảm xúc tiêu cực, giận hờn, ghen ghét, rất khó để quên. Khi thừa nhận thực tại ấy, ta mới thấy lời căn dặn “không được để lòng ghét anh em mình” mới vô cùng ý nghĩa. Ta cũng nhớ lại câu chuyện Chúa Giêsu kể về người sắp đi dâng lễ vật ở Đền Thờ, mà sự nhớ có chuyện bất bình với anh chị em của mình, thì hãy để của lễ lại đó, đi làm hòa với anh chị em của mình trước đã.

Thời hiện tại, khi tin tức về các gương xấu lan tràn, nếu ai đó nói một chút về đạo đức luân lý, thì dễ bị đánh đồng là giả. Tuy nhiên, nếu từng lời nói trong Kinh Thánh được đặt phù hợp trong bối cảnh, sẽ thấy sẽ cảm được nét đẹp tuyệt vời. Đó là mối dây liên kết giữa Thiên Chúa và dân Ngài qua trung gian Môsê, Đó là Thiên Chúa gần gũi, đầy tình thương và đã cứu dân khỏi ách nô lệ. Đó là một gia đình có tình yêu ngự trị. Đó là một cộng đoàn có Chúa hiện diện, có anh em cùng chung chia cuộc sống. Nếu ai đó đã làm quen với việc xét mình, đã biết cầu nguyện một chút, có lẽ sẽ nhận thấy tầm quan trọng lớn lao tới mức nào của cầu nguyện của xét mình, của bí tích Hòa Giải, để giúp chiến thắng bản thân, để có thể “không để lòng ghét anh chị em mình”.

Lạy Mẹ Maria, có lẽ chẳng ai biết sống mến Chúa yêu người, một cách cụ thể, mạnh mẽ và dịu hiền như Mẹ. Xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa cho chúng con, để chúng con biết đi theo Chúa như Mẹ đã theo, sẵn sàng nghe Lời Chúa và suy ngẫm trong lòng, cho dù chưa hiểu, nhưng hy vọng đến lúc cần hiểu, chúng con sẽ được soi sáng để hiểu. Amen.

Tác giả:

Tứ Quyết SJ

(dongten.net 23.02.2020)