Trong Kinh Thánh con người thường hay khóc: Có những giọt nước mắt tang thương, ăn năn, buồn bã và vui mừng. Vua Đavít đẫm lệ khi leo lên Núi Ô-liu vì ông bị chính con trai của mình là Absalom phản bội (2 Sam 15, 30).
Còn ông Giuse lại mừng phát khóc vì tìm thấy các anh em của mình sau nhiều năm lưu vong (St 42, 24). Có người phụ nữ hối lỗi, nhỏ những giọt lệ ăn năn dưới chân Chúa Giêsu (Lc 7, 38). Thánh Phêrô cũng từng khóc cay đắng vì đã chối bỏ Chúa ba lần (Lc 22, 62). Phaolô viết thư gửi các tín hữu Côrintô, cũng như cho người khác, “trong nước mắt” để nói với họ về tình cảm của ngài (2 Cor 2, 4). Chính Chúa Giêsu cũng thế, Ngài than khóc cho thành Giêrusalem hoặc kìm nén vì động lòng thương trước mộ của Ladarô (Lc 19,41). Chúa Giêsu xác định phúc lành qua bài giảng trên núi “Phúc thay ai biết khóc than”, thế nhưng tại sao nhiều người trong chúng ta lại kìm nén những giọt nước mắt?
Con người không muốn khóc lóc vì họ không muốn tỏ ra yếu đuối, họ luôn được dạy rằng “Bạn đừng bao giờ khóc trước mặt mọi người”. Người ta cũng không muốn cho thấy cảm giác thực của họ hiện ra sao, vì sợ gây ra nỗi đau cho người thân hoặc khiến nỗi buồn của chính họ thêm trầm trọng. Người ta tránh khóc than vì họ không muốn lôi kéo sự chú ý về bản thân họ và dường như họ đang tỏ ra cho thấy những vấn đề của họ. Nhiều khi chúng ta cảm thấy nước mắt chả ăn khớp gì với niềm cậy trông vào Chúa Kitô: “Xin đừng đau buồn, nếu bạn yêu mến tôi”, thánh Augustinô đã từng viết như thế khi ám chỉ về cái chết của mình.
Nhưng nếu cái chết là một bi kịch, cũng như những tình huống khác khiến chúng ta cảm thấy đau lòng, thì niềm cậy trông của chúng ta vào Chúa không loại trừ điều đó. Phục sinh không loại trừ ngày Thứ sáu Tuần Thánh. Xác quyết về tình yêu của Thiên Chúa và niềm vui xuất phát từ Chúa không ngăn cản được đau khổ do bởi sự chia cách, những thất bại và tất cả các kiểu đau buồn phát xuất từ lòng thương dành cho người khác. Trái lại, tình yêu khiến một người dễ bị tổn thương. Được gần Chúa thì đừng che lòng – vì nó chỉ khiến ta dễ mủi lòng hơn thôi. Cậy trông không làm cho chúng ta trở nên siêu phàm, lơ lững trong tình trạng tách ra khỏi sự đau khổ và gây đau khổ cho nhiều người. Càng gia tăng sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta càng ít lo lắng khi chạm phải khổ đau.
Đừng kìm nén những giọt nước mắt
Nếu Chúa đã ban cho chúng ta khả năng khóc, thì đó là khả năng chúng ta nên sử dụng. Chẳng có gì khó chịu hơn cảm giác đau đớn vì người chúng ta yêu thương và chứng kiến họ cắn răng chịu đựng nó thay vì bày tỏ nỗi đớn đau của mình. Khóc lóc không phải là thiếu niềm tin.
Vậy khóc lóc có phải là biểu hiệu của sự yếu đuối? Đúng vậy, và chúng ta hãy vui vì điều đó! Nó nhắc nhở chúng ta biết rằng chúng ta luôn cần đến Chúa và cần đến anh chị em mình. Như Charles Dickens đã viết: “Chúng ta đừng bao giờ xấu hổ vì những giọt nước mắt của mình, bởi vì chúng là cơn mưa quét đi bụi đất che phủ con tim khô cứng của chúng ta” –
Christine Ponsard/Aleteia
Sao Nguyễn chuyển ngữ
(gpquinhon.org 21.02.2020)