Được tạo ra vào những năm 1960 bởi một người thợ chạm gỗ, bức tượng Đức Mẹ đồng trinh Maria đứng lặng yên nhiều năm trời trong nhà nguyện của một tu viện tại thị trấn Akita ở phía tây bắc Nhật Bản. Ngày nay, bức tượng và nhà nguyện nhỏ này trở nên nổi tiếng thế giới với sự hiển linh và khả năng chữa bệnh kỳ diệu của Đức Mẹ.
Bắt đầu vào năm 1973, bức tượng gỗ đặc rắn này đã nhỏ lệ, đổ mồ hôi, thậm chí chảy máu. Tượng thậm chí còn chữa trị cho một bà xơ bị điếc và một vị khách bị u não. Các nhà khoa học chưa thể đưa ra cách giải thích hợp lý cho điều này. Các chức sắc Công giáo đã công nhận tượng Đức Mẹ ở Akita là một phép màu, tuy rằng còn do dự.
Tượng Đức Mẹ Maria ở Akita được nhắc tới trong bài. (Ảnh: Internet)
Phép màu của Sơ Agne
Sơ Agnes Katsuko Sasagawa, 42 tuổi, gia nhập tu viện Akita vào tháng 5/1973. Trong vài thập kỷ trước đó, Sơ Agnes đã phải vật lộn với nhiều vấn đề về sức khỏe, có thể do phẫu thuật cắt ruột thừa hỏng. Trong nhiều năm, bà bị điếc bên tai trái và dần dần, khả năng nghe cũng giảm dần bên tai phải. Vài tháng trước khi vào tu viện, bà bị điếc hẳn, theo hồ sơ đăng ký và phê chuẩn trợ cấp người tàn tật. Theo chính sách quốc gia, tình trạng điếc hoàn toàn và không thể khôi phục của bà cần phải được xác nhận bởi 2 chuyên gia trước khi nhận được tiền trợ cấp. Theo hồ sơ, hai người này là TS Sawada từ Bệnh viện Niigata Rosai ở Joetsu, Niigata và TS Arai từ Khoa Tai & Mắt tại Bệnh viện Chữ thập đỏ Akita.
Chỉ sau vài tuần đến Akita, Sơ Agnes đã chứng kiến phép màu đầu tiên của tượng Đức Mẹ. Ngày 12/6/1973, một luồng ánh sáng rực rỡ tỏa ra xung quanh nhà tạm và một bóng hình giống khói hay sương mù lơ lửng bên trên bàn thờ. Sơ Agnes nhìn thấy “rất nhiều sinh mệnh giống thiên thần bay xung quanh bàn thờ, tỏ lòng tôn kính đến vị Chủ”. Sơ cũng được một bóng hình viếng thăm, mà Sơ tin là thiên thần hộ mệnh của mình. Theo miêu tả của bà sinh mệnh này có “khuôn mặt tròn, biểu lộ sự hòa ái . . . một sinh mệnh được bao phủ trong sắc trắng lấp lánh giống tuyết”. Vị thiên thần cầu nguyện cùng Sơ Agnes, cung cấp cho Sơ lời khuyên và chỉ dẫn. Sơ đã kể lại chuyện thần kỳ này với chức sắc Giám mục địa phương, Cha John Shojiro Ito, cũng như tu viện trưởng, Đức cha Teiji Yasuda.
Sơ Agnes Katsuko Sasagawa. (Ảnh: Internet)
Kể từ ngày 28/6/1973, Sơ Agnes bắt đầu có trải nghiệm Dấu Thánh (những dấu hiệu trên cơ thể, vết loét, hoặc cảm giác đau ở các vị trí tương ứng với những vết thương bị đóng đinh của Chúa Giêsu, chẳng hạn như ở lòng bàn tay, cổ tay và bàn chân). Trên gan bàn tay trái của Sơ, một vết thương nhỏ, hình thập giá xuất hiện và chảy máu. Cơn đau sẽ bắt đầu vào các đêm thứ năm và kéo dài qua ngày thứ sáu, lúc đó gần như vượt quá khả năng chịu đựng của Sơ. Tuy nhiên thiên thần hộ mệnh đã đến và an ủi bà, nói “Các vết thương của Đức Mẹ còn sâu hơn và thống khổ hơn rất nhiều. Chúng ta hãy cùng đến cầu nguyện tại nhà nguyện”.
Sơ Sasagawa đang cầu nguyện. (Ảnh chụp màn hình/YouTube)
Sau khi cầu nguyện, Sơ Agnes nhìn lên bức tượng Đức Mẹ. Bức tượng cao gần 1 m được tạc nguyên từ một khúc gỗ cứng của cây Judea. Tượng khắc họa Đức Mẹ đồng trinh đứng đằng trước cây thánh giá với hai tay hơi hướng ra trước, lòng bàn tay ngửa lên trên, theo một tư thế chào mừng. Đức Mẹ được miêu tả đứng trên một quả cầu. Tại thời điểm đó, ngày 6/7/1973, chưa có vết nối hay vết nứt nào trên thân tượng.
“Tôi đột nhiên cảm thấy bức tượng gỗ sống dậy và nói chuyện với tôi”, Sơ Agnes cho hay. “Bà đắm mình trong ánh hào quang rực rỡ . . . và chính tại thời điểm đó, một thanh âm mỹ diệu không cách nào miêu tả rọi thẳng vào đôi tai bị điếc hoàn toàn của tôi… [Đức Mẹ đã nói] ‘Bệnh điếc của con sẽ được chữa khỏi’”
Tượng Đức Mẹ ở Akita chảy nước mắt. (Ảnh: Internet)
Ngày hôm sau, khi các nữ tu tập trung lại để cầu nguyện, họ đã bị sốc khi phát hiện thấy máu rỉ ra từ cổ tay phải của tượng. Cứ mỗi thứ sáu trong tháng 7 đó, vết thương lại xuất hiện và máu sẽ rỉ ra trước sự kinh ngạc của rất nhiều du khách.
“Trông dường như bị cắt thẳng vào thịt”, một nữ tu khác nói. “Góc cạnh cây thập tự trông giống da thịt của người, thậm chí có người nhìn thấy mảnh da trông giống dấu vân tay. Vào thời điểm đó tôi tự nhủ vết thương này là thật”. Cuối tháng 7, các vết thương của Sơ Agnes biến mất; nhưng vết thương trên tay Đức Mẹ Maria vẫn còn cho đến ngày 29/9, tuy không chảy máu.
Tổng cộng, Đức Mẹ Maria đã nói với Sơ Agnes ba lần. Trong lần thứ ba, Đức Mẹ trao truyền một thông điệp rất giống với Bí mật thứ ba của Đức Mẹ Fatima (một lần hiển linh khác của Đức Mẹ ở Fatiman, Bồ Đào Nha). Đức Mẹ Akita đã nói:
“Đứa con của ta, hãy nhớ kỹ những lời ta nói. Con cần phải truyền lại thông điệp này cho bề trên của mình. Ta bảo con này, nếu nhân loại không ăn năn sám hối và sống tốt hơn thì Chúa Cha sẽ giáng hình phạt khủng khiếp hơn Đại Hồng Thủy [thời ông Noah], với mức độ chưa từng có trong lịch sử.
Công việc của ma quỷ sẽ xâm nhập Giáo hội khiến các hồng y chống lại các hồng y, các giám mục chống lại các giám mục … Ta buồn khi nghĩ tới viễn cảnh mất đi rất nhiều sinh linh. Nếu tội lỗi tiếp tục gia tăng về số lượng và mức độ, họ sẽ không được sự tha thứ nữa.
Sơ Agnes đứng bên cạnh tượng Đức Mẹ Maria. (Ảnh: Internet)
Đức Mẹ đã hứa sẽ chữa lành đôi tai của Sơ Agnes, và đến năm 1982, Sơ Agnes từng bị điếc đã nghe lại được bình thường, dù từng bị chẩn đoán vô phương cứu chữa. Năm 1981, một phụ nữ người Hàn Quốc tên Teresa Chun Sun Ho đã nhìn thấy Đức Mẹ Akita trong cơn hôn mê. Chun bị u não và khó có thể qua khỏi. Khi tỉnh dậy, cô đến Nhật Bản và cầu nguyện tại điện thờ Đức Mẹ Akita. Khi cô trở lại Hàn Quốc, các bác sĩ kinh ngạc phát hiện cô đã hoàn toàn bình phục.
Bên cạnh bàn tay chảy máu, bức tượng còn toát mồ hôi và chảy nước mắt một vài lần, một số trong đó đã được ghi hình bởi phóng viên địa phương. Tổng cộng, bức tượng đã khóc, toát mồ hôi, hoặc chảy máu 101 lần. Con số này được cho là có ý nghĩa đặc biệt: số 1 đầu tiên biểu thị tội lỗi một phụ nữ mang đến thế gian (Eva cắn quả táo); số 1 thứ hai biểu thị sự cứu rỗi người phụ nữ khác mang đến thế gian (Đức Mẹ Maria sinh hạ Chúa Giê-su); Số 0 ở giữa biểu thị sự vĩnh cửu của Chúa Thánh Thần.
Các chuyên gia không phải tín đồ Công giáo đã xét nghiệm chất dịch chảy ra từ tượng, và kết luận đây là chất dịch của người. Lúc ban đầu, Tổng giám mục Tokyo bác bỏ hiện tượng kỳ diệu này ngay cả khi chưa đến Akita. Tuy nhiên, giám mục Ito, người chứng kiến hiện tượng này, đã kêu gọi Giáo hội Công giáo Rôma thiết lập một ủy ban điều tra vụ việc. Tuy Tòa Thánh chưa từng chính thức công nhận phép màu của Đức Mẹ Akita, nhưng Hồng y Ratzinger (sau này là Giáo hoàng Benedict XVI) đã công nhận tính xác thực của thông điệp Đức Mẹ Maria trao truyền cho người dân Akita.
Top image: Our Lady of Akita, Japan. Photo Source: (CC BY-SA 4.0)
Video of Akita Apparitions and Sister Sasagawa
Xem video về Sơ Sasagawa và các lần hiển linh của Đức Mẹ Akita:
Tác giả: Kerry Sullivan, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
theo: dkn
Bài viết được quan tâm:
Top 5 mẫu bàn thờ Chúa được tín đồ ưa chuộng nhất hiện nay
Tượng Công giáo mua ở đâu, chất liệu nào đẹp?
10 Website mua bàn thờ Chúa uy tín nhất Việt Nam