Tác phẩm “Đấng cứu thế” của Leonardo da Vinci là bức tranh đắt nhất thế giới với giá bán năm 2017 là 450 triệu USD.
Bức tranh vẽ trực diện hình ảnh Chúa Jesus trong chiếc áo màu xanh, cổ áo ngang có viền hoa văn, đang dùng bàn tay phải ra dấu phước lành, còn tay trái cầm một quả cầu tinh thể đặc.
Bức họa từng được bán với giá vài trăm USD?
Nhà viết tiểu sử người Mỹ, Giáo sư Lịch sử Walter Isaacson (Đại học Tulane), trong cuốn Leonardo da Vinci đã giải thích: “Vào đầu thế kỷ XVI, chủ đề Chúa cứu thế với hình ảnh Jesus cùng một quả cầu có cây thập giá ở trên, gọi là globus cruciger, đã trở nên phổ biến, đặc biệt với các họa sĩ khu vực Bắc Âu”.
Với bức Salvator Mundi (Đấng cứu thế) của Leonardo da Vinci, Isaacson cho rằng bức tranh này mang những nét rất tiêu biểu cho hội họa của Leonardo, trong đó nhân vật vừa khiến người xem thanh thản, vừa gợi một nỗi bất an, một ánh nhìn xuyên thấu, một nụ cười khó nắm bắt, những lọn tóc xoăn cuộn chảy nối tiếp nhau, cùng nét dịu dàng mơ hồ nhờ kỹ thuật sfumato (kỹ thuật vẽ sắc thái mờ hòa vào nhau).
Theo Walter Isaason, ông đã lần theo dấu vết của kiệt tác này và nhận thấy trong danh sách kiểm kho tài sản của Salai, người học trò, cũng là người tình đồng tính được thừa kế tài sản của Leonardo, có bức tranh Kito trong hình dáng của Chúa Cha.
Tác phẩm đó được giới thiệu trong các bộ sưu tập của vua Anh Charles I, người bị chém đầu vào năm 1649, và cả của Charles II, người đoạt lại ngai vàng vào năm 1660. Dấu vết lịch sử của bức tranh biến mất sau khi nó được chuyển từ Charles II sang cho Công tước Buckingham và người con trai vị công tước này đã bán bức tranh năm 1763.
Dấu vết bức tranh xuất hiện trở lại vào năm 1990, khi nó được một nhà sưu tập người Anh mua về, dù ông này không hề ngờ rằng nó lại có thể là của Leonardo da Vinci. Khi đó bức tranh đã bị hỏng, bị vẽ chèn thêm lên trên và bị phủ sơn bóng quá dày đến nỗi không thể nào nhận ra nên người ta cho rằng đó là tác phẩm của Boltraffio, học trò của Leonardo và trong thời gian đó, nó chỉ có giá vài trăm USD.
Đến khi tác phẩm được giao dịch lần nữa vào năm 2005, các nhà buôn và nhà sưu tập nghệ thuật mới bắt đầu cho rằng đây là tác phẩm của Leonardo da Vinci. Các chuyên gia thẩm định hội họa hàng đầu thế giới đã xem xét bức tranh và xác định đó chính là kiệt tác do nhà danh họa người làng Vinci xứ Florence vẽ ra.
Kỹ thuật vẽ huyền diệu
Sau khi bức tranh được cọ rửa sạch sẽ, lúc chiếu ánh sáng hồng ngoại để nó phản chiếu lớp lót trắng của tấm vóc, các chuyên gia nhận ra họa sĩ đã ấn lòng bàn tay vào chỗ sơn ướt trên mắt trái của Chúa để đạt được độ nhòa mờ như phủ khói, chính là kỹ thuật sfumato đặc trưng của Leonardo.
Bức tranh có kích thước 45,4 cm x 65,6 cm được vẽ trên nền chất liệu gỗ cây óc chó, rất giống với các tác phẩm khác của Leonardo trong cùng thời kỳ, và được tô rất nhiều lớp sơn mỏng gần như trong mờ.
Sau khi xác định đây đúng là kiệt tác của Leonardo, bức tranh đã được bán với giá tới gần 80 triệu USD vào năm 2013 cho một nhà buôn tranh nghệ thuật người Thụy Sĩ, sau đó ông này đã bán cho một tỷ phú người Nga với giá 127 triệu USD, trước khi được nhà đấu giá Christie ở New York bán với giá 450 triệu USD năm 2017.
Phân tích những đặc điểm nghệ thuật của bức họa, Isaacson cho rằng những đường nét mờ nhòa khi dùng kỹ thuật sfumatocủa Leonardo, đặc biệt là ở đôi môi đã mang đến những nét bí ẩn trong tâm lý nhân vật cùng nụ cười mơ hồ mà dường như mỗi lần nhìn vào lại thấy biến đổi đôi chút. Đây là một “vũ điệu dịu êm của những tương tác cảm xúc”, mà người xem có thể thấy ở bức tuyệt tác Mona Lisa.
Mái tóc xoăn của Chúa cuộn chặt tràn trề năng lượng, đổ xuống sống động khi chạm tới hai vai, như thể họa sĩ đang vẽ những xoáy nước của một dòng suối đang chảy xiết.
Tác giả cho rằng, quãng thời gian Leonardo vẽ bức Đấng cứu thế là lúc ông cũng đang nghiên cứu quang học thị giác để tìm hiểu xem mắt người tập trung như thế nào.
Ông tạo ra ảo giác về chiều sâu của không gian ba chiều bằng cách cho vật thể ở tiền cảnh sắc nét hơn. Do đó, hai ngón tay trên bàn tay phải của Chúa được vẽ rạch ròi tới từng chi tiết, khiến bàn tay ấy như đang chìa về phía người xem, như thể đang chuyển động, làm thành dấu ban phước lành.
Tác giả cuốn sách tiểu sử Leonardo da Vinci cũng nhận ra một chi tiết đặc biệt, đó là các hình ảnh phía bên kia quả cầu thủy tinh không bị đảo ngược như trong hiện tượng quang học. Sau khi phân tích rằng Leonardo có biết quy luật khúc xạ ánh sáng, Isaacson kết luận họa sĩ không vẽ chi tiết đó, để tránh cho người xem khỏi bị sao nhãng, hoặc ông đang cố gắn cho Chúa và quả cầu của ngài vẻ huyền diệu thần thánh.
Theo news.zing.vn