Đạo Công giáo không dạy chúng ta phải sống tốt?

Giải Đáp và Hướng Dẫn:  Lm. Antôn Pađôva Hà Văn Minh, Gp. Phú Cường
Hỏi 433
Thưa cha, con nghe một cha giảng tĩnh tâm Mùa Vọng vừa qua tại một họ đạo thuộc Thành Phố Hồ Chí Minh rằng, Đạo Công giáo không dạy chúng ta phải sống tốt, con nghe sao choáng váng, bói rối quá cha ạ. Cha có thể giúp con tìm lại được sự bình an không?
 
Đáp:Tôi không nghe trực tiếp bài giảng , nhưng nếu ngài nói như thế thì quả thật là một cú “sốc” cho bà con giáo dân. Nếu được góp ý, thì ngài phải trình bày như thế này, Đạo Công giáo không chỉ dạy chúng ta phải phải sống tốt, nhưng còn hơn thế nữa, Đạo Công giáo dẫn đưa chúng ta đến gặp một Đấng toàn thiện, Đấng yêu thương chúng ta, đã chết và sống lại để cứu chuộc chúng ta, Đấng đã ban cho chúng ta niềm hy vọng vào sự đời đời. Và những công việc tốt chúng ta thực hiện là hướng tới cùng đích này. Và vì thế Đạo Công giáo còn dạy chúng ta phải làm sao cho mọi người dều nhận biết về Thiên Chúa Tình yêu để họ cũng nhận được ơn cứu độ.Giáo lý Công giáo dạy: Được liên kết với Đức Kitô nhờ bí tích Rửa Tội, các tín hữu thật sự đã tham dự vào sự sống thiên quốc của Đức Kitô phục sinh, nhưng sự sống này còn “tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa” (Cl 3,3). Chính Thiên Chúa đã cho chúng ta được “cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô Giêsu trên cõi trời” (Ep 2,6). Được nuôi dưỡng bằng Mình Thánh Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể, chúng ta đã thuộc về Thân Thể của Người. Khi chúng ta được phục sinh vào ngày sau hết, “lúc đó”, chúng ta sẽ xuất hiện “với Người và cùng Người hưởng phúc vinh quang (Sách GLHTCG số 1003) Trong khi mong đợi ngày đó, thân xác và linh hồn của tín hữu đã được tham dự vào phẩm giá được hiện hữu “trong Đức Kitô”; vì vậy, phải tôn trọng thân xác của mình, và cả thân xác của người khác (Sách GLHTCG số 1004).Việc tôn trọng tôn trọng thân xác của mình, và cả thân xác của người khác không gì hơn là việc làm cụ thể qua việc thực thi mười giới răn Chúa truyền dạy. Đó chính là sống tốt. Nhưng việc sống tốt đó chỉ có thể thực hiện được bởi tin vào một Thiên Chúa, là Cha toàn năng, vì mọi sự tốt lành đều bắt nguồn từ Thiên Chúa.  Thật vậy, đạo Công Giáo không chỉ dừng lại ở việc sống tốt mà thôi, bởi nếu chỉ có thế thì đạo Công Giáo cũng giống như mọi đạo khác, “đạo nào cũng tốt, đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành”,  chẳng có đạo nào dạy làm điều ác cả, và như thế chúng ta đã rơi vào chủ nghĩa tương đối hoá tôn giáo. Có lẽ nào con Thiên Chúa xuống thế làm người chỉ dạy chúng ta ăn ngay ở lành? Và nếu chỉ có thể thì có cần Ngôi Hai nhập thể, chịu khổ hình Thập Giá, chịu bao nhiêu là khổ đau không?Tin Mừng Chúa Kitô không đơn giản chỉ là những nguyên tắc luân lý chúng ta phải tuân giữ, nhưng hơn thế nữa, Chúa Kitô đến mạc khải cho chúng ta biết về một Thiên Chúa, qua dung mạo một người Cha đầy lòng thương xót, dung mạo đó được biểu tỏ một cách tỏ tường qua con người Đức Giêsu Kitô. Qua Người, Tin Mừng tỏ cho biết Thiên Chúa đã tạo dựng muôn loài, đã yêu thương cứu chuộc con người, đưa con người ra khỏi bóng tối của sự chết và cho con người được dự phần vào sự sống đời đời. Để được như thế, Chúa Giêsu đòi hỏi con người phải hoán cải, tin nhận vào sự hiện hữu duy nhất của Thiên Chúa, và chỉ tôn thờ một mình Ngài, và tin nhận vào Đức Giêsu, người Con duy nhất của Thiên Chúa, được sai đến trần gian để thực thi thánh ý của Chúa Cha, tức là thực thi chương trình cứu chuộc nhân loại của Chúa Cha.Vì thế, chúng ta không thể dừng lại ở điểm sống tốt mà thôi, bởi nói như Công Đồng Vaticanô II trong sắc lệnh Hoạt Động Truyền Giáo (Ad Gentes):Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành là người được sai đi, v́ chính Giáo Hội được khởi sinh từ việc Chúa Con và Chúa Thánh Thần được sai đến theo ý định của Thiên Chúa Cha” (số 2). Có nghĩa  mỗi một người Kitô hữu có trách nhiệm làm chứng về Tin Mừng.  “Thật vậy, tất cả các Kitô hữu, dù sống ở đâu, đều phải dùng chứng tá và gương mẫu đời sống để thể hiện con người mới mà họ đã mặc lấy nhờ bí tích Thánh Tẩy, đồng thời biểu dương sức mạnh của Chúa Thánh Thần đã củng cố họ qua bí tích Thêm Sức, để những người chung quanh nhìn thấy các việc lành của họ mà ngợi khen Chúa Cha (x. Mt 5,16), và nhận thức đầy đủ hơn ý nghĩa đích thực của đời sống con người và mối dây liên kết toàn thể cộng đồng nhân loại” (AG số 11).Việc loan báo Tin Mừng cho người thời đại là điều cấp bách đến nỗi Đức thánh cha Phanxicô đã không ngần ngại lớn tiếng:  “Vì vậy chúng ta hãy đi ra, đi ra để cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô. Ở đây tôi lặp lại cho toàn thể Hội Thánh điều tôi từng nói cho các linh mục và giáo dân ở Buenos Aires: Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục. Nếu có cái gì đáng phải khiến chúng ta trăn trở và áy náy lương tâm, thì đó chính là sự kiện nhiều anh chị em chúng ta đang sống mà không có sức mạnh, ánh sáng và niềm an ủi phát sinh từ tình bạn với Đức Giêsu Kitô, không có một cộng đoàn đức tin nâng đỡ họ, không tìm thấy ý nghĩa và mục tiêu trong đời. Tôi mong rằng, thay vì sợ đi lạc, chúng ta nên sợ bị giam hãm trong những cấu trúc làm cho chúng ta có một cảm giác an toàn giả tạo, những qui tắc biến chúng ta thành những quan toà tàn nhẫn, với những thói quen làm chúng ta cảm thấy an thân, trong khi ở ngoài cửa người ta đang chết đói và Đức Giêsu không ngừng nói với chúng ta: “Anh em hãy cho họ ăn đi!” (Mc 6:37). (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 49).Tôi nghĩ, có lẽ cha giảng muốn trình bày ở điểm này, và có lẽ vì quá chú tâm vào đó nên ngài đã hơi cường điệu khi nói : Đạo Công giáo không dạy chúng ta phải sống tốt.Thân ái