Một số vị thánh được Chúa gọi về cách đây đã nhiều thập niên, thậm chí nhiều thế kỷ nhưng thi hài của họ vẫn không suy suyển. Phải chăng đây là hiện tượng siêu nhiên hay một tiến trình sinh học chưa giải thích được? Thân xác nhiều vị thánh nam nữ đã được gìn giữ khỏi quy trình mục nát tự nhiên sau khi qua đời.
Thông thường các trường hợp như thế được phát hiện khi Giáo hội tiến hành các thủ tục tuyên chân phước hay hiển thánh. Một số vị đã được chôn cất lại, trong khi thi hài các vị khác được trưng bày trong các hòm thánh tích để tín hữu tôn kính. Ngày nay, khoảng 100 trường hợp như thế đã được xác định trên thế giới.
Giáo hội cẩn trọng xem xét các trường hợp nêu trên, và cũng không tuyên bố đây là điều khoản buộc phải tin. Trong không ít trường hợp, một số vị được cho là thi hài nguyên vẹn sau khi qua đời trên thực tế là do đã được ướp xác. Sau đây là một số trường hợp những vị thánh hoặc chân phước nổi tiếng vì thi hài không bị hủy hoại :
1. Thánh Catherine Labouré (1806-1876), nữ tu dòng Nữ tử Bác ái Vinh Sơn, được tuyên thánh năm 1947. Khi được ĐTC Piô XI tuyên chân phước năm 1933, thân xác nữ thánh lúc ấy được khai quật và trong tình trạng nguyên vẹn. Thánh nhân được tắm rửa và đặt trong hòm thánh tích bằng đồng mạ vàng, trong nhà nguyện Ảnh Vảy, phố du Bac, thủ đô Paris (Pháp).
2. Việc tuyên chân phước cho nữ thánh Bernadette (1844-1879) đòi hỏi phải khai quật xác thánh làm ba lần, năm 1909, 1919 và 1925. Thân thể ngài được bảo toàn cách kỳ diệu. Tuy nhiên, việc này vẫn còn được tranh luận, bởi vì một bác sĩ đã khẳng định rằng xác của nữ thánh đã được ướp trước đó. Hơn nữa, khuôn mặt và đôi bàn tay đã phần nào bị thoái hóa; một lớp bằng sáp đã được bao phủ lên hai phần thân thể ấy để bảo quản. Ngày nay, thi hài của thánh nhân được đặt vào hòm thánh tích bằng kính, trong nguyện đường tu viện cổ Saint Gildard, tại thành phố Nevers (Pháp).
3. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII (1881-1963) được tuyên hiển thánh ngày 27.4.2014, cùng lúc với Đức Gioan Phaolô II. Xác ngài được khai quật năm 2001 và không thay đổi gì sau gần 4 thập niên. Ngài được đặt trong một quan tài bằng pha lê, dưới bàn thờ nhà nguyện Saint-Jérôme, thuộc Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, với một mặt nạ bằng sáp, che mặt ngài.
4. Thánh Padre Pio (1887-1968) được ĐTC Gioan Phaolô II tuyên thánh ngày 16.6.2002. Khi được đào lên, xác ngài xông hương thơm ngào ngạt. Máu ngài chảy khi người ta rạch một đường nhỏ trên thân thể ngài. Chỉ dung mạo ngài được phủ một mặt nạ bằng silicon.
5. Chân phước Anne-Marie Taigi (1769-1837), người Ý. Thân xác vị chân phước không bị hủy hoại, hiện được đặt tại Rome, trong thánh đường Saint-Chrysogone.
6. Thánh nữ Madeleine-Sophie Barat (1779-1865) là một nữ tu người Pháp, sáng lập Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Xác ngài được bảo toàn trong một quan tài được mở ra nhiều lần năm 1908, trong quá trình điều tra để tuyên chân phước. Thân xác vị thánh vẫn còn nguyên vẹn. Lúc ấy, người ta đã làm một mặt nạ cho ngài. Năm 1909, thánh Madeleine-Sophie Barat đã được đặt yên nghỉ vào hòm thánh tích bằng đồng mạ vàng. Thánh nữ được ĐTC Piô XI tuyên thánh ngày 24.5.1925.
7. Thánh Gioan-Maria Vianney (1786-1859), cha sở Thánh, họ Ars, đồng thời là thánh bảo trợ mọi linh mục. Xác ngài được khai quật lần đầu ngày 12.10.1885 và lần hai, năm 1904. Di hài của thánh nhân vĩ đại này đã khô nhưng còn nguyên, lúc ấy lại được ướp và bảo tồn trong hòm thánh tích, tại cung thánh lớn, được xây để tưởng nhớ đến ngài.
8. Thánh Têrêsa Avila (1515-1582) là một nữ tu người Tây Ban Nha, người canh tân Dòng Kín thế kỷ 16. Xác ngài không bị hủy hoại, và được chia ra một số phần. Hiện các thánh tích của ngài hiện diện khắp nơi : tại Rome, Lisbon, Paris, và nhiều địa điểm tại Tây Ban Nha. Phần di hài còn lại được đặt trên bàn thờ chính của nhà thờ Truyền tin cho Đức Mẹ (Alba de Tormes), trong một mộ phần bằng hoa cương.