Đức Hồng Y George Pell tại chủng viện Chúa Chiên Lành Sydney. Ảnh chụp hôm thứ 6 Tuần Thánh. Ảnh cdn.newsapi.com.au
Sau khi ra khỏi nhà tù, Đức Hồng Y George Pell đã nghỉ đêm tại Đan viện Cát-Minh và ngày hôm sau, ngài lên đường từ Melbourne trở về Sydney.
Hiện ngài cư trú và tham dự Tuần Thánh ở Chủng viện Chúa Chiên Lành Sydney. Trong một biến cố khác, nhà thờ Chính tòa Melbourne đã bị những kẻ quá khích phá hoại bằng cách vẽ bậy lên cửa chính nhà thờ. Đan viện Cát-minh cũng bị quấy phá.
Báo giới cho hay, những người chống đối Đức Hồng Y vẫn đang có nhiều kế hoạch buộc ngài ra tòa vì những tội danh khác. Bài suy niệm về thứ Sáu Tuần Thánh dưới đây của Đức Hồng Y được thời báo “The Australian” đăng tải cùng ngày.
“Bất kỳ ai cũng phải chịu đau khổ. Không một ai có thể thoát khỏi được. Người nào cũng phải đối diện với những câu hỏi như: Tôi phải làm gì giữa lúc gian truân? Tại sao có quá nhiều sự dữ và đau khổ như thế? Và tại sao chuyện tồi tệ này lại xảy ra với tôi? Tại sao đại dịch Corona lại xảy ra? Người Hi Lạp và Roma cổ đại thường nghĩ các vị thần có tính khí rất thất thường, họ có thể trừng phạt con người mà chẳng cần lí do.
Tương truyền, tục lệ bọc quà Giáng sinh bắt nguồn từ truyền thống xa xưa khi con người muốn dâng lễ vật lên một vị thần nào đó, họ phải che nó lại, để các vị thần khác không lấy đó làm ghen tương.
Những người vô thần ngày nay tin rằng vũ trụ, bao gồm cả con người, đơn giản chỉ là kết quả của sự ngẫu nhiên vô định. Họ không cần viện đến một Trí Thông Minh siêu việt để lí giải cấu trúc của chuỗi DNA, với 10.000 nơ-ron thần kinh tạo nên con mắt, sự thiên tài của Shakespeare, Michelangelo, Beethoven hay Albert Eisntein.
Nhiều người khác chạy theo thuyết vô ngộ cấp tiến. Theo họ, chúng ta không biết và có lẽ, chúng ta cũng chẳng muốn biết. Ở đây, một người theo thuyết vô ngộ có thể đụng độ với định mệnh theo đường lối khắc kỉ, hoặc trở nên hung dữ, dấn sâu vào màn đêm “hung dữ chống lại ánh sáng.”
Phục Sinh cung cấp cho người Ki-tô hữu câu trả lời cho những vấn nạn liên quan đến sự sống và sự đau khổ. Khởi đi từ những mặc khải trong Dân Do Thái, các Ki-tô hữu chia sẻ niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất, Ngài là Thiên Chúa của Ab-ra-ham, I-sa-ac và Gia-cóp. Họ tin rằng khoảng 2000 năm trước đay, một người thanh niên Do Thái đã bị đóng đinh vào thập giá trên một ngọn đồi ở Giê-ru-sa-lem, vào buổi chiều ngày thứ sáu. Người ấy đã bị khinh miệt và khước từ. Ai ai cũng coi người ấy đã chết, trong khi chỉ một số rất ít ỏi, những người có niềm tin, đã nhìn thấy người đó sau biến cố Phục Sinh vào buổi Chúa nhật.
Điều được xác nhận là không phải chỉ đơn thuần hồn của Giê-su trở về dương thế. Nhưng trái lại, đó là một sự trở về từ cõi chết của một con người toàn diện. Sự trở về này phá võ các định luật vật lý và y khoa, như người Ki-tô hữu tuyên xưng chàng trai trẻ này là Con duy nhất của Thiên Chúa, là Đáng Messiah. Không ai truy tìm được xương cốt của Giê-su. Nhiều người bàng hoàng trước sự thật: Đây là Đấng Messiah, một đấng không đơn thuần giống như các vị vua Đa-vid hay Sô-lô-môn, nhưng là người tôi trung chịu nhiều đau khổ của I-sai-ah, Đấng cứu độ chúng ta, khiến chúng ta được đón nhật ơn tha thứ và tháp nhập vào hạnh phúc vĩnh cửu. “Đây là cây thánh giá, nơi treo Đấng cứu độ trần gian.”
Thế hệ của chúng ta và những thế hệ trẻ hơn đang trải qua một thời điểm đặc biệt của lịch sử. Nó chưa từng bao giờ xảy ra như vậy. Chúng ta không sống trong đại dịch cúm Tây Ban Nha sau thời Thế chiến thứ nhất, hay như Đại dịch Cái chết Đen thế kỷ thứ 14, khi mà một phần ba dân số bị xóa xổ. Điều mới mẻ ở thời đại chúng ta là khả năng chiến đấu chống lại bệnh tật, giảm bớt sự lây lan một cách thông minh.
Cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục đã làm đổ vỡ cuộc đời của hàng ngàn nạn nhân. Đây là một điều có hại cho Hội Thánh Công giáo, nhưng chúng ta đã cắt bỏ được khối ung thư luân lý dù rất đau đớn.
Cũng vậy, không ít người coi đại dịch Covid-19 là một thời điểm thử thách những ai tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa tốt lành, Đấng Tạo Thành vũ trụ, Đấng giàu lòng yêu thương và Đấng Toàn tri. Những đau khổ, nhất là con số rất lớn những người chết vì các bệnh dịch và chiến tranh, là một mầu nhiệm.
Ki-tô hữu có thể đón nhận đau khổ tốt hơn những người vô thần và có thể giải thích được vẻ đẹp và sự hạnh phúc của sự sống. Hầu hết người tin đều hiểu rằng người Con duy nhất của Thiên Chúa không có một hành trình dễ dàng, trái lại, Ngài đã phải chịu đựng đau khổ rất nhiều.
Chúa Giê-su cứu độ chúng ta và phần mình, chúng ta có thể cứu độ nỗi đau khổ của mình bằng cách kết hợp với Chúa Giê-su và dâng lên Thiên Chúa những đau khổ ấy. Tôi đã phải ngồi tù 13 tháng vì một tội ác mà tôi không hề phạm, trải qua hết thất vọng này tới thất vọng khác. Tôi tin Thiên Chúa đồng hành với tôi, nhưng tôi không hiểu ý định của Ngài, mặc dù tôi nhận ra Ngài trao tự do cho tất cả chúng ta.
Trước những tai họa, tôi thấy an ủi khi biết rằng tôi có thể dâng lên Thiên Chúa với ý tốt lành, hi vọng những khối đau khổ kia sẽ chuyển hóa thành nguồn sức mạnh tâm linh. Hệ thống y tế của chúng ta được cắm rễ sâu trong truyền thống phục vụ Ki-tô giáo. Họ phục vụ liên tục trong nhiều giờ, bất chấp nguy cơ cao sẽ bị nhiễm dịch.
Điều này đã không xảy ra giữa dân ngoại ở thành Rô-ma xưa kia, khi mà chỉ có duy nhất các Ki-tô hữu dám ở lại bên các bệnh nhân và chăm sóc họ giữa cơn đại dịch. Even Galen, vị danh y nổi tiếng thời cổ đại, đã bỏ chạy khỏi tổ quốc khi dịch bệnh bùng phát.
Kiko Arguello, đồng sáng lập tổ chức Con đường Tân Dự tòng, tuyên bố thế này: Sự khác nhau căn bản giữa người kính sợ Thiên Chúa và những người tục hóa được thấy rõ trong cách họ tiếp cận với đau khổ. Thông thường, người vô thần luôn muốn xóa bỏ nguyên nhân của đau khổ, thông qua phá thai, trợ tử và bỏ rơi những người thân yêu trong các nhà hưu dưỡng.
Ngược lại, các Ki-tô hữu nhìn thấy Chúa Giê-su nơi những người đang chịu đau khổ- các nạn nhân, người bệnh tật, người già cả- và tự thấy có bổn phận phải giúp đỡ họ. Đây là một phần của sứ điệp mùa Phục Sinh của Đức Ki-tô Phục Sinh.”
Duc Trung Vu, C.Ss.R
Theo The Australian
nguồn: https://nhathothaiha.net/