Hy vọng giữa gian lao – Suy niệm Chúa Nhật Phục Sinh

HY VỌNG GIỮA GIAN LAO

SUY NIỆM CHÚA NHẬT PHỤC SINH

Cái chết và nấm mồ là kinh nghiệm đau thương và là nỗi lo sợ lớn nhất của kiếp người. Người nghèo chết, người giàu cũng phải chết. Chẳng ai thoát khỏi cái chết mặc dù sợ hãi và trốn tránh nó. Nói đến cái chết, chúng ta đứng trước một bức màn bí ẩn và đặt câu hỏi: bên kia bức màn đó là gì? Sau khi chết con người sẽ như thế nào? Đã bao thế hệ, người ta tìm cách đưa ra những giả thuyết khác nhau về thân phận con người sau khi chết.

Chúa Giêsu là Thiên Chúa, đồng thời cũng là con người. Một số thủ lãnh và người dân Do Thái đã kết án tử cho Người phải chết bằng hình thức đóng đinh vào thập giá. Trên cây thập giá, Người đã chết. Cả bốn tác giả Tin Mừng đều xác nhận điều này. Đối diện với cái chết, Chúa Giêsu cũng lo sợ đến nỗi máu nhỏ thành giọt, lúc Người cầu nguyện trong vườn Cây Dầu. Người cũng muốn trốn tránh nó, như lời Người thưa cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu con thể được, xin cất chén này xa con”. Tuy vậy, tình yêu mến Người dành cho Chúa Cha lại vượt xa nỗi lo sợ. Vì vậy, Người tiếp lời: “Nhưng xin đừng theo ý con, một theo ý Cha”. Như thế cái chết của Chúa Giêsu là cái chết tự nguyện, vì vâng lời Chúa Cha và vì yêu thương loài người.

Như bao người khác, Chúa Giêsu đã chết. Nhưng nếu những người đã chết chịu đóng khung trong nấm mộ tăm tối và thân xác mục nát theo thời gian, thì thân xác Chúa Giêsu lại không chấp nhận quy luật ấy. Người là Con Thiên Chúa hằng sống. Người có quyền trên sự sống và sự chết, như chính Người đã tuyên bố khi sinh thời. Hơn thế nữa, Người chính là sự sống và là sự sống lại. Trước đó, qua hình ảnh hạt lúa gieo xuống đất chấp nhận mục nát để nảy mầm sinh bông kết trái, Chúa Giêsu đã có ý chỉ về cái chết của chính mình. Các tác giả Tin Mừng đều kể lại với chúng ta, mỗi người mỗi cách, nhưng cùng chung một nội dung là Chúa Giêsu đã sống lại vào ngày thứ ba, kể từ khi bị đóng đinh và chết trên thập giá. Sự phục sinh của Chúa là ánh sáng bừng lên giữa tối tăm, tình yêu trao gửi giữa hận thù và hy vọng bừng lên giữa gian lao.

Đó là niềm hy vọng trước hết cho các môn đệ và những người phụ nữ đạo đức, đã theo Chúa khi người còn ở trần gian. Cái chết của Chúa làm cho họ hoang mang. Một vài người trong họ hoàn toàn thất vọng và đã lên đường về quê. Niềm vui tràn đầy nhanh chóng thay thế cho sự lo buồn thất vọng. Tác giả Tin Mừng Gioan đã kể lại kinh nghiệm cá nhân của mình vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần. Ông đã kết luận trình thuật ngôi mồ trống bằng chính điều ông trải nghiệm: “Ông đã thấy và tin”. Đức tin của ông từ nay đã rõ ràng, được kiểm chứng và trải nghiệm. Ông đã chắc chắn Đức Giêsu, vị Thày khôn ngoan của ông là Thiên Chúa, Đấng đã sống lại từ cõi chết. Người trỗi dậy từ nấm mồ tăm tối, là kinh nghiệm thê thảm nhất của kiếp nhân sinh, để từ nay chiếu sáng huy hoàng dẫn đưa nhân loại về bến bờ bình an.

Giáo Hội năm nay có một Mùa Chay đặc biệt và một lễ Phục sinh cũng đặc biệt, đó là tình trạng dịch bệnh viêm phối Vũ Hán, hay còn gọi là COVID-19.  Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu không còn là câu chuyện do các tác giả Tin Mừng kể lại. Cuộc khổ nạn này cũng không dừng lại ở nghi thức phụng vụ, nhưng đó là kinh nghiệm cụ thể về mạng sống của bao người bị COVID-19 cướp đi. Cho đến hôm nay, trên thế giới đã có khoảng 1,5 triệu người nhiễm dịch và khoảng 100 ngàn người đã chết. Người ta còn nói đến đỉnh của dịch bệnh sẽ đến trong nay mai. Nhân loại đang trải qua nỗi kinh hoàng ghê gớm. Nhiều người đã đồn đoán về ngày tận thế. Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu đang tiếp diễn nơi những bệnh nhân, nơi thân nhân gia đình và xã hội đang gồng mình để chống dịch, giảm thiểu sức lây lan và tàn phá của con virus bé nhỏ mắt thường không nhìn thấy. Không thể thống kê được thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Kể cả vào lúc dịch bệnh chấm dứt, chúng ta phải mất nhiều năm mới khôi phục những hậu quả của đại dịch, trong mọi lãnh vực, nhất là lãnh vực kinh tế.

Dưới lăng kính Kitô giáo, chúng ta nhận ra gương mặt của Đấng chịu đóng đinh nơi những người đau khổ bệnh tật trong xã hội hôm nay. Chúa Giêsu hiện diện với họ để nâng đỡ, chữa lành tâm hồn cũng như thân xác. Trong lúc hoảng loạn tăm tối này, chúng ta tin vào quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa, với lòng tín thác cậy trông Chúa sẽ ban ơn chữa lành và thế giới sẽ trở lại bình an. Như Đức Giêsu đã chết và đã phục sinh, mỗi chúng ta cũng tin rằng, Thiên Chúa sẽ sớm đưa nhân loại thoát khỏi đại họa, và giúp chúng ta khôi phục cuộc sống. Đó là niềm hy vọng giữa gian lao, hy vọng bừng lên từ nấm mồ trống mà Gioan và Phêrô đã được chiêm ngắm.

Ngôi mộ trống là chứng từ hùng hồn về mầu nhiệm Phục sinh. Hôm nay, mỗi Kitô hữu cũng hãy là chứng nhân của Chúa Phục sinh đang hiện diện trong cuộc đời. Đây là lệnh truyền của Chúa, như lời khẳng định của Thánh Phêrô: “Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết” (Bài đọc I). Sự Phục Sinh của Chúa là một sứ điệp hy vọng, cần loan báo cho con người mọi nơi, mọi thời. Những ai đã lãnh nhận phép Thanh Tẩy đều là những sứ giả loan tin vui Phục Sinh. Như Phêrô, Mácđala và Gioan, mỗi người có cách loan báo riêng của mình, nhưng nội dung của lời loan báo luôn luôn là Chúa Giêsu phục sinh, chúng ta cũng vậy, mỗi người có hoàn cảnh riêng, những khó khăn và thuận lợi riêng, nhưng đều có sứ mạng loan báo Đấng Phục Sinh, Đấng đang sống và đang hiện diện giữa chúng ta.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

tonggiaophanhanoi.org/